Kiềm chế tai nạn giao thông vùng nông thôn

06/09/2020 06:06

Thời gian qua, tai nạn giao thông (TNGT) ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Thực tế đó đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các giải pháp đồng bộ, cụ thể và quyết liệt nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, từ năm 2019 đến nay, TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy gia tăng, chiếm khoảng 70% số vụ. Trong đó, đáng chú ý, các vụ TNGT xảy ra tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa có chiều hướng tăng, đặc biệt, TNGT liên quan đến người DTTS tăng cao.

Đơn cử như năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 68 vụ TNGT, thì có đến 29 vụ (tăng 2 vụ so với năm 2018) liên quan đến người DTTS, làm 26 người chết (chiếm 41,26%) và 21 người bị thương (chiếm 47,27 %). Còn trong 8 tháng đầu năm 2020, trong số 51 vụ TNGT, làm 55 người chết và 65 người bị thương thì có đến 30 vụ liên quan đến người DTTS, làm chết 30 người, bị thương 19 người, chiếm hơn 50% số vụ và số người chết.

Theo phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông vùng nông thôn là do ý thức của một số người dân chưa cao, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT. Tại các xã, thôn làng vùng nông thôn, người dân chưa thay đổi được một số thói quen xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ATGT, như thường xuyên uống rượu, bia sau đó tham gia giao thông; người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; thiếu niên chưa đủ tuổi vẫn điều khiển phương tiện giao thông… Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng chức năng tại vùng nông thôn chưa thực hiện thường xuyên, vẫn còn nhiều địa bàn, tuyến đường giao thông nông thôn chưa được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên…

Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà. Ảnh: H.N

 

Trong các nguyên nhân dẫn đến TNGT thì theo phân tích nguyên nhân hàng đầu vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn hạn chế. Vì vậy, ngành chức năng cần nghiên cứu xây dựng và triển khai đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT tập trung hướng về cơ sở, vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. 

Ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Trước tình hình TNGT ở vùng nông thôn gia tăng, từ năm 2019 đến nay, Văn phòng Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền chuyên đề an toàn giao thông cho người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy đối với cán bộ thôn và nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của các huyện Đăk Glei, Kon Rẫy, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà… Tại các buổi tuyên truyền chúng tôi trình chiếu hình ảnh những vụ TNGT, phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn và đưa ra những đoạn phim hướng dẫn về kỹ năng điều khiển xe an toàn. Đặc biệt, tại buổi tuyên truyền, ngoài việc phát tờ rơi, chúng tôi phân tích, nêu rõ những quy định của pháp luật về ATGT, tác hại của việc sử dụng rượu bia tham gia giao thông… để người dân hiểu, nêu cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Cũng theo ông Hướng, để hạn chế TNGT ở vùng nông thôn thì chính quyền địa phương cần quan tâm, huy động các hội đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên vào cuộc vừa tổ chức sinh hoạt đoàn vừa lồng ghép tuyên truyền pháp luật về ATGT. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các quy định về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, quy định về tốc độ, hậu quả của các vụ TNGT khi vi phạm tốc độ, khi vi phạm về nồng độ cồn và tuyên truyền khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không lái xe”… để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lái xe khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng công an xã và các lực lượng khác theo quy định của pháp luật tham gia công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến huyện lộ, giao thông nông thôn, nhằm hạn chế TNGT ở địa bàn nông thôn và tập trung xử lý các đối tượng vi phạm TTATGT trong độ tuổi thanh, thiếu niên nhằm tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung các vi phạm về TTATGT, góp phần kiềm chế TNGT.     

Hà Nam

Chuyên mục khác