Không để người dân “thót tim” vì tín hiệu đèn giao thông

08/01/2025 13:05

Báo chí đưa tin, sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 12. Trong đó, quy định mới về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là lỗi vượt đèn đỏ được nhiều cử tri quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá từ khi Nghị định 168/2024, thông tư mới về xử lý vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực, ý thức của người dân tốt hơn.

Tuy nhiên, hệ thống tín hiệu giao thông có chỗ hoạt động chưa đúng quy định, còn trục trặc kỹ thuật. Các cấp các ngành liên quan cần phối hợp kiểm tra điều kiện kỹ thuật của hệ thống đèn tín hiệu, không để người dân bị phạt oan.

Tôi nhận thấy có rất nhiều ý kiến phản hồi về nội dung này. Đa số ý kiến đều ủng hộ việc nâng mức phạt với các hành vi vi phạm an toàn giao thông theo Nghị định 168, cũng như đánh giá Quốc hội đã “nhìn thấy” những bất cập trong mấy ngày đầu triển khai. 

Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nâng mức phạt tiền hàng loạt hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ lên nhiều lần.

Theo đó, đối với ô tô, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (mức phạt trước đây theo Nghị định 100/2019 là 4 - 6 triệu đồng) và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Đối với xe máy, hành vi này bị phạt từ 4-6 triệu đồng (trước đây là từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng) và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

‘’Thót tim’’ vì hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoạt động phập phù. Ảnh: H.L

 

Quy định mới nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, mức xử phạt như vậy là quá cao, chưa phù hợp với thu nhập của người dân.

Ngược lại, đa số ý kiến biểu đạt sự đồng tình với việc nâng mức phạt. Vì với mức phạt nhẹ, không đủ sức răn đe, nhiều người sẽ sẵn sàng vi phạm, hoặc liên tục tái phạm. Nhưng khi phạt nặng, mọi người sẽ phải chấp hành nghiêm luật pháp, và từ đó hình thành ý thức tự giác chấp hành.

Còn về những ý kiến cho rằng mức phạt quá cao, chưa phù hợp với mức thu nhập, trên thực tế, chỉ là lời biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật. Bởi đã biết sẽ bị phạt nặng thì đừng vi phạm; cứ chạy xe cẩn thận, từ tốn, nhất là điều chỉnh thói quen phóng vội, phóng nhanh khi thấy đèn vàng. Không vi phạm thì không sợ phạt.

Về cá nhân, tôi hoàn toàn đồng tình với việc tăng mức chế tài xử phạt vi phạm trong Nghị định 168; vui vẻ tuân thủ và nhanh chóng điều chỉnh tâm thế khi lái xe để thích nghi quy định mới. 

Thực tế cho thấy, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật giao thông ở mức nghiêm trọng diễn ra thường xuyên, nhất là vượt đèn đỏ, không chấp hành đèn tín hiệu. Đây đều là những hành vi cố ý, có nguy cơ mất an toàn rất cao, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra từ những hành vi vi phạm nêu trên.

Đáng chú ý, nhiều người đã bị phát hiện, bị xử lý nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra rất nhiều. Ở các ngã tư, không hiếm những người phóng xe vun vút, dù đang là đèn đỏ.

Bởi vậy nếu chỉ trông chờ vào các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bằng hình thức tuyên truyền sẽ không đạt hiệu quả tích cực. Cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, có tăng mức chế tài xử lý.

Chỉ khi mức phạt thật sự "đủ mạnh" thì tính răn đe đối với người tham gia giao thông mới phát huy tác dụng thật sự, trật tự giao thông mới thiết lập được tốt hơn. Không nên đem ra để đong đo  khả năng nộp phạt của một bộ phận cá nhân vi phạm.

Tuy nhiên, như rất nhiều người, tôi cũng lo bị “phạt oan” vì hệ thống tín hiệu đèn giao thông chắp vá, hư hỏng, hoạt động chưa mấy nhịp nhàng hiện nay.

Cùng với tăng mức phạt, cần rà soát, sửa chữa, đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: HL

 

Như ở ngã tư Trường Chinh-Trần Phú, những ngày qua, mỗi khi đi qua đây tôi đều nơm nớp lo bị… phạt oan, vì hệ thống đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng do thi công tuyến đường Trường Chinh.

Ngay trong ngày 1/1, ngày đầu tiên Nghị định 168 có hiệu lực, tôi chạy xe hướng Trần Phú-Hùng Vương, đèn tín hiệu hướng này tắt lịm, tôi định chạy thẳng, nhưng giật mình dừng lại vì nhìn phía đối diện, tín hiệu đèn đỏ lại hoạt động. Một phen hú vía.

Qua ngày hôm sau, tôi để ý cả phía mình và phía đối diện, thấy không có tín hiệu đèn đỏ, định đi tiếp, thì thấy xe hướng đường Trường Chinh đang lưu thông, và trên trụ đèn hướng ấy có màu xanh. Lại giật mình dừng xe.

Nhưng đến ngày thứ 3 thì cả hệ thống đèn tín hiệu ở ngã tư này tắt hẳn. Dù vậy, tôi vẫn “thót tim” mỗi khi đi qua đây vì lo chẳng may “ông” đèn đỏ bất thình lình hoạt động thì căng.

Tin vui là mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin đã nhận được phản ánh từ người dân về tình trạng đèn tín hiệu “trục trặc”, dẫn đến việc người dân vô tình vi phạm giao thông.

Tại các nút giao có lỗi kỹ thuật, cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt. Người dân không phải lo lắng về việc bị phạt oan. Khi lập biên bản, cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với bộ phận phụ trách đèn tín hiệu trích xuất camera, đối chiếu hành vi vi phạm và tín hiệu đèn tại thời điểm đó.

Nhưng điều còn băn khoăn là, với xử phạt trực tiếp có thể như vậy, còn phạt nguội thì sao? Liệu có phải là “hết cãi”?

Vì vậy, điều nhiều người mong muốn là, luật đúng, nghị định đúng, chủ trương đúng, nhưng quá trình thực hiện cũng cần tiếp tục khắc phục những bất cập nảy sinh. Bên cạnh việc xử lý nghiêm, lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành luật; tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông.

Trước mắt là khẩn trương rà soát, sửa chữa đèn tín hiệu lỗi và đề xuất nâng cấp thiết bị đã cũ.

Để người dân không phải “thót tim” vì chúng!     

Hồng Lam

Chuyên mục khác