Kéo giảm tai nạn giao thông

14/01/2024 06:27

Đánh giá trung thực, sát với thực tế về tình trạng tai nạn giao thông để tìm ra những nguyên nhân chính, từ đó mới có thể xác định được những giải pháp khắc phục cụ thể và hiệu quả.

Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh cho thấy, năm 2023, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh không giảm, mà còn tăng cao so với năm 2022, với 99 vụ (tăng 34 vụ), làm chết 93 người (tăng 25 người), bị thương 90 người (tăng 48 người).

Riêng tuần nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 28/12/2023-3/1/2024), báo cáo của Ban ATGT tỉnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT (gồm 1 vụ ít nghiêm trọng, 3 vụ nghiêm trọng), làm 3 người chết, 2 người bị thương; tăng 2 vụ, tăng 3 người chết và giảm 1 người bị thương so với tuần trước liền kề.

Công an thành phố Kon Tum xử lý một trường hợp vi phạm quy định về ATGT theo thông tin người dân cung cấp. Ảnh: HL

 

Theo phân tích của Ban An toàn giao thông tỉnh, có không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông tăng. Và trên thực tế, đây là những nguyên nhân đã được nhận diện từ lâu, đã trở nên quen thuộc, bởi luôn “có mặt” trên các báo cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm của các bên có liên quan.

Cũng trong các báo cáo luôn đề ra những biện pháp, đi cùng đó là quyết tâm và cam kết. Nhưng tình hình tai nạn giao thông  vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của những giải pháp ấy.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng này, lỗi không ở các giải pháp, cũng không phải do các cấp, các ngành thiếu quyết tâm và nỗ lực.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần đánh giá trung thực, sát với thực tế để tìm ra những nguyên nhân chính, từ đó mới có thể xác định được những giải pháp khắc phục cụ thể và hiệu quả.

Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII (tháng 12/2023), đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, việc xác định các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá đúng thực tế và nguyên nhân.

Đồng chí cũng lưu ý, đề ra giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức, triển khai và thực hiện các giải pháp như thế nào.

Quan tâm bố trí vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông. Ảnh: H.L

 

Mới đây, sáng 9/1, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết của Chính phủ với 63 tỉnh thành về công tác an toàn giao thông năm 2023 và phương hướng năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý các địa phương phải đánh giá lại về tình trạng vi phạm giao thông, tai nạn giao thông một cách trung thực, nhìn nhận đúng thực tế.

Thiết nghĩ, để kéo giảm tai nạn giao thông, bên cạnh các giải pháp đã và đang được triển khai, tỉnh cần quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông.

Bởi theo đánh giá, trong số các nguyên nhân chủ yếu nổi lên là cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh dù đã được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện, nhu cầu vận chuyển hàng hoá, nhu cầu đi lại của người dân.

Về chủ quan, ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, mang tính đối phó, nhất là đối với đồng bào DTTS. Nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân trực tiếp từ việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng bia, rượu, không làm chủ tốc độ, đi không đúng làn đường, lấn làn, vượt ẩu.

Vì vậy, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tham gia tích cực hơn nữa; xác định rõ, kéo giảm tai nạn giao thông không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát giao thông mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Xuất phát từ thực tế tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) và Quốc lộ 24 (65/99 vụ), lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; chú trọng xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Đặc biệt, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn phải được thực hiện quyết liệt, bền bỉ, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn hoá “đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân; quá trình xử lý vi phạm phải triệt để, không né tránh theo đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không ngoại lệ”.

Trong quá trình xử lý vi phạm, đối với người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, phải thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định.

Một cách làm đang dần được phổ biến và cho thấy hiệu quả là đẩy mạnh vận động người dân tham gia cung cấp thông tin về hành vi vi phạm an toàn giao thông. Tích cực sử dụng và phát huy vai trò mạng xã hội trong việc tuyên truyền cũng như nắm bắt thông tin vi phạm, đồng thời đảm bảo minh bạch trong xử lý vi phạm.     

Hồng Lam

Chuyên mục khác