Đường sá trong khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y bị sạt lở nặng

09/10/2018 18:06

​Một số con đường trong khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y bị hư hỏng, sạt lở không phải do chất lượng xây dựng mà nguyên nhân chính do thiên tai, mưa lũ kéo dài. Đó là lời khẳng định của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và điều này đã được liên ngành kiểm tra, đánh giá cụ thể...

Trước những thông tin mà một số tờ báo phản ánh về tình trạng sạt lở một vài tuyến đường trong khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, phóng viên Báo Kon Tum cùng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tiến hành khảo sát thực địa tại một số con đường bị hư hỏng, sạt lở ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

 Theo báo cáo số 219 ngày 1/10 của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong số một vài đường bị hư hỏng, sạt lở thì nặng nhất là 3 con đường, đó là đường vào khu dân cư I-1, đường D7, D8.

Đường vào khu dân cư I-1 bị sạt lở nặng do mưa bão. Ảnh: P.N

 

 Đối với công trình đường khu dân cư I-1, được đầu tư theo Quyết định 999/QĐ-UBND tỉnh và được bàn giao sử dụng ngày 26/9/2014. Đường dài hơn 250m, nền đường rộng 7,5m, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5m. Công trình được đầu tư nhằm góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và mở rộng quỹ đất để bố trí khu dân cư, các công trình công cộng theo quy hoạch. Ghi nhận tại hiện trường, mái taluy âm nền đường sụt trượt, sạt lở lớn kéo theo mặt đường và các công trình phụ trợ khác như hệ thống cống thoát nước, cây cảnh, vỉa hè đổ sập xuống bãi đỗ xe phía dưới. Kích thước khối sụt trượt khoảng hơn 10m, dài khoảng 100m, rộng khoảng 15m.

Đối với công trình đường D7, dài hơn 1km, nền đường rộng 15m, mặt đường rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên 4m, được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2015, cũng bị sạt lở nền đường và mái taluy âm gia cố bê tông xi măng dài gần 50m, rộng 3m, sâu 10m, khối lượng sạt lở 1.400m3. Vỉa hè công trình này cũng bị hư hỏng dài 40 m.

Đối với công trình đường D8 dài hơn 1,7km, nền đường rộng 10m, mặt đường rộng 5m bị sạt lở nền đường và mái taluy âm gia cố bê tông xi măng dài 30 m, rộng 8m, sâu 5m, khối lượng sạt lở 1.200m3; diện tích mặt đường bê tông xi măng hư hỏng khoảng 100m2. Toàn bộ hệ thống cửa phai chắn nước hồ Âu Cơ tại vị trí cống hộp 3 cửa (360x360cm) bị hư hỏng hoàn toàn.

Ngoài 3 công trình trên bị hư hỏng nặng do mưa lũ thì tại khu vực Cửa khẩu Bờ Y còn có một số vị trị khác bị sạt lở như đường trục khu II, đường nội bộ Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu quốc tế Bờ Y … cũng bị sạt lở.

Tất cả công trình, vị trí bị sạt lở hư hỏng đều được xác định do nguyên nhân từ mưa bão và tình trạng mưa kéo dài liên tục trong những tháng vừa qua. Điều này cũng đã được đoàn kiểm tra liên ngành cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, xác định (đã có biên bản kiểm tra đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 16/8).

Trao đổi với chúng tôi ngay tại hiện trường, ông Huỳnh Quốc Trung- Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở những con đường trong khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y do thời tiết khí hậu biến đổi, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có nhiều đợt mưa lớn liên tục, kéo dài trong nhiều tháng nên nền đất ngấm no nước gây sạt lở. Điều này đã được các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá.

Riêng đối với con đường D8, ông Trung cho biết, phần nền đường con đường này được đầu tư từ năm 2006. Chỉ phần mặt đường bê tông xi măng thì mới được đầu tư xây dựng năm 2016, đưa vào sử dụng năm 2017. Nhưng do mưa kéo dài liên tục (nhất là từ ngày 12-15/8) nước từ thượng nguồn đổ về làm hư hỏng mái ta luy cống hộp, xói lở 1/2 nền, mặt đường dài khoảng 30 m. 

Cũng theo ông Trung, tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra ở vài con đường nội bộ khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y mà những công trình khác trên địa bàn như đường tuần tra biên giới và một số quả đồi trong khu vực cũng bị sạt lở nặng.

“Ngay như tuyến đường huyết mạch – Quốc lộ 18B nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với nước Lào nhiều năm nay không bị sạt lở nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lớn kéo dài năm nay cũng bị sạt lở nặng khiến giao thông bị tê liệt nhiều ngày”- ông Trung dẫn chứng.

Ông Thái Thanh  Bình- Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế cho biết: Cho đến nay, các tuyến đường sạt lở vẫn chưa khắc phục được, vì hiện nay, trời vẫn còn mưa rải rác, nền đất của các công trình đều đã ngậm nước, rất yếu, nguy cơ sạt lở rất cao. Chúng tôi cũng đang tiến hành tổng rà soát các điểm sạt lở để báo cáo, xin chủ trương của UBND tỉnh.

“Việc khắc phục ngay cũng khó bởi vì hiện trời vẫn mưa, hơn nữa địa chất ở khu vực không đồng nhất, cần phải khảo sát, nghiên cứu, đánh giá kỹ và có bản vẽ thiết kế chi tiết cụ thể mới có thể khắc phục được. Việc khắc phục phải đảm bảo yếu tố bền vững của công trình và tiết kiệm chi phí…”- ông Bình cho biết.

Với một số con đường bị hư hỏng nói trên, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã báo cáo tỉnh cho chủ trương, đồng thời tiến hành nghiên cứu, triển khai các biện pháp khắc phục đảm bảo chất lượng và tiết kiệm kinh phí…

          Phúc Nguyên

Chuyên mục khác