Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy: ​Thói quen không thể thiếu với người dân

28/02/2018 17:59

​Với đa số người dân, mỗi khi đi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm là cảm thấy ái ngại và cảm thấy thiếu thiếu một thứ gì đó. Đó là hiệu quả từ một chủ trương đúng đắn bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy…

Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó quy định người đi xe mô tô, xe máy khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm chính thức có hiệu lực năm 2008. Kể từ đó đến nay, các địa phương trên toàn quốc nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, sau 10 năm thực hiện, đến nay, tỷ lệ người đi xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh ta đạt 99% và điều đó đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất số người chết do chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông có liên quan đến xe mô tô, xe máy.

Đa số người dân đều chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: P.N

 

Bên cạnh kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm thì trên thực tế ở tỉnh ta, vẫn còn một số người khi tham gia giao thông, đặc biệt là một bộ phận thanh thiếu niên, một số người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực hiện nghiêm quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi sử dụng mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông. Họ chỉ chấp hành khi có lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Điều đó chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy khi đi trên các thôn, làng, đường liên xã, liên thôn…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số ít tình trạng học sinh phổ thông đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm và các bậc cha mẹ không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm, lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện, xử lý 42.287 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy và tiến hành xử phạt với tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.

Cũng theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, một điều đáng buồn là tỷ lệ người bị thương tích do không đội mũ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông vẫn còn khá cao. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 490 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, hậu quả đã làm chết 200 người và bị thương 350 người.

Đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương đầu và tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy có thể giảm được 42% nguy cơ tử vong với xác suất tùy thuộc vào tốc độ của mô tô, xe máy. Vì vậy, để hạn chế chấn thương ở đầu, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm việc quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển hoặc ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác