Cầu sập, dân liều mình lội suối

22/11/2017 07:19

​8 năm nay, kể từ khi cây cầu Đăk Pam bị sập, hơn 20 hộ dân tại xóm Lau Mưng (thuộc thôn Đăk Book, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) ngày ngày phải liều mình lội suối để sản xuất, sinh hoạt. Vào mùa mưa, nước lớn, việc băng suối gây nguy hiểm cho người dân, nhất là các em nhỏ đến trường.

Cầu Đăk Pam bắc qua suối Đăk Pam, nối giữa xóm Lau Mưng (thuộc thôn Đăk Book) với trung tâm xã Đăk  Blô. Sau cơn bão năm 2009, cầu sập, xóm Lau Mưng như bị cô lập. Hàng ngày, người dân phải bất chấp nguy hiểm, vượt suối để qua được trung tâm xã cũng như các xóm, làng khác.

Giữa trưa, hì hục lái xe máy băng qua dòng suối, ông A Nguôi, xóm Lau Mưng lắc đầu ngao ngán: “Không có cầu bất tiện lắm, muốn đi rẫy hay đi ra xã phải chấp nhận vượt suối. Nhiều lúc qua suối mà lo lắm, miệng cứ khẩn cầu được bình an”.

Người dân xóm Lau Mưng bất chấp nguy hiểm vượt suối ra trung tâm xã. Ảnh: H.T

 

Bà con nơi đây chia sẻ, nhiều đêm có việc gấp hoặc người thân đau ốm, người dân cũng bất chấp nguy hiểm vượt suối. “Ban đêm trời tối, không biết được chỗ nào cạn, chỗ nào sâu, đi nguy hiểm lắm. Nhưng không vượt suối thì không còn đường nào khác” – bà Y Thi, xóm Lau Mưng nói.

Không có cầu, việc mua bán, sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Theo lời người dân, vì người đi buôn không thể qua đến xóm nên khi có nông sản, bà con phải gùi hoặc lấy xe máy chở từng ít một qua suối mới bán được. “Cả người lẫn xe xìa ngã, đổ ập xuống suối là chuyện thường. Chở đồ tươi còn đỡ, nhiều hôm chở đồ khô, ngã xuống, phải về phơi lại” – ông Nguôi nói.

Điều đáng nói, tại xóm Lau Mưng có khoảng 10 em đang trong độ tuổi đến trường. Không có cầu, hàng ngày các em phải lội qua suối đi học. Đó là những ngày trời nắng, những hôm mưa, phụ huynh phải sắp xếp công việc, cõng các em qua suối. “Nhà mình có 1 cháu học lớp 3 và 1 cháu học lớp 5, hôm nào trời mưa, mình phải tranh thủ dẫn các con qua suối đi học. Nhiều hôm mưa to, người lớn không dám lội suối, đành phải cho con nghỉ học. Có đợt phải cho con nghỉ học mấy ngày, đợi nước nhỏ mới dám cho đi học lại” – bà Thi nói.

Thầy Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Blô chia sẻ, trường có 7 em học sinh ở xóm Lau Mưng. Mỗi ngày học sinh băng qua suối đi học, nhà trường rất lo lắng. Nhất là những ngày mưa, thầy cô phải xem con nước rồi gọi điện khẩn cấp cho trưởng thôn, báo cho các em nghỉ học.

Sau cơn bão số 12, nước lớn, các em học sinh phải nối tay nhau để đến trường. Em A Pặt, học sinh lớp 6, Trường THCS Đăk Blô nói: Đi một mình sợ bị trôi nên chúng em nối tay nhau qua suối. Nhiều lúc đến suối, thấy nước lớn quá, chúng em phải quay về.

Ông A Nhập – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blô cho biết, cầu Đăk Pam sập đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân ở xóm Lau Mưng nói riêng và người dân trên địa bàn xã nói chung. UBND xã cũng đã có ý kiến đề xuất, mong muốn có một cây cầu mới.

“Trong thời gian qua cũng có một số đơn vị đi kiểm tra, khảo sát nhưng xã chưa thấy làm. Trước mắt, UBND xã có kêu gọi một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tấn Phát đổ cát, sỏi để giảm độ sâu của suối. Tuy nhiên, về lâu về dài, cần có một cây cầu mới để đảm bảo an toàn cho người dân”- ông A Nhập nói.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác