Báo động tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe máy

29/05/2020 06:02

Thời gian qua, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn, nhất là vùng nông thôn ngày càng phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Đây là thực trạng đáng báo động mà ngành chức năng, cũng như chính quyền địa phương cần quan tâm và có các giải pháp kiềm chế.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 63 người, bị thương 44 người, trong đó có tới 53 vụ liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy, chiếm 77,94% tổng số vụ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2020 có đến 22/25 vụ TNGT liên quan đến mô tô, chiếm 88% tổng số vụ TNGT toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Qua theo dõi, tỷ lệ người chết, người bị thương do TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy ngày càng tăng cho thấy mức độ nghiêm trọng và phức tạp. Đơn cử năm 2019, toàn tỉnh có đến 50 người chết do TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy (chiếm 79,36% tổng số người chết cả năm); đến 4 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ người chết liên quan đến xe mô tô, xe máy tăng lên chiếm 86,95% tổng số người chết. Tương tự, năm 2019 tỷ lệ người bị thương là 63,63% thì 4 tháng đầu năm 2020 tăng lên đến 100% tổng số người bị thương.

Qua điều tra, phân tích các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua cho thấy nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông. Đối tượng liên quan nhiều nhất là người điều khiển xe mô tô, xe máy, trong đó tập trung nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường thì họ thường vi phạm những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT như: phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, chuyển hướng không quan sát, không đội mũ bảo hiểm (chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa), sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy ở huyện Đăk Glei. Ảnh: PN

 

Cũng theo ông Hướng, ngoài những nguyên nhân đã nêu trên thì một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT nhiều địa phương tuy đã thực hiện nhưng chưa được duy trì thường xuyên, có chiều sâu, phù hợp các đối tượng, nhất là đối với thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa, do vậy, chưa phát huy hết hiệu quả của công tác này. Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT mặc dù đã được tăng cường, triển khai nhưng lực lượng chức năng cũng chưa thực hiện thường xuyên, đúng trọng tâm, trọng điểm, vẫn còn nhiều địa bàn, tuyến đường, trong đó, có các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được chú trọng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên...

Trước tình hình TNGT liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy xảy ra vùng nông thôn diễn biến phức tạp, Ban ATGT tỉnh đã đưa ra giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn, hạn chế TNGT liên quan đến mô tô, xe máy trên địa bàn thời gian tới. Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT cho đối tượng là thanh thiếu niên và các em học sinh ở vùng nông thôn. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT; có kế hoạch, phương án chủ động bố trí lực lượng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ATGT…

Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Triển khai giải pháp cụ thể để hạn chế, phòng ngừa TNGT trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn, xác định những điểm nguy cơ mất ATGT để có kế hoạch, giải pháp khắc phục nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn.      

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác