Bảo đảm an toàn giao thông thủy nội địa: ​Cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở

01/11/2016 09:26

Nhiều phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, lái thuyền không có chứng chỉ… hoạt động trên lòng hồ, sống suối trên địa bàn tỉnh đang là mối lo tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Đây là điều mà các cấp, các ngành cần quan tâm và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Trước tình hình nguy cơ mất an toàn giao thông từ các bến phà, bến thủy nội địa cũng như các phương tiện thủy nội địa, vừa qua, Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp cùng với chính quyền địa phương các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra các bến thủy và phương tiện tham gia vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra thực tế tại 9 xã thuộc 5 huyện, thành phố với 471 chiếc ghe, xuồng các loại cho thấy, đa số phương tiện không đảm bảo yêu cầu quy định về vận tải thủy nội địa.

Duy nhất bến phà Kon Gung có đầy đủ giấy phép hành nghề. Ảnh: V.P

 

Qua kiểm tra, chỉ có bến phà Kon Gung (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) có đăng ký kinh doanh và được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, người lái phà có chứng chỉ chuyên môn. Còn lại, hầu hết đều không có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải thủy nội địa, chưa có chứng chỉ chuyên môn theo quy định, không đăng ký, đăng kiểm, không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Trong khi đó, các ghe (xuồng) chủ yếu được sử dụng cho công việc gia đình, phục vụ mưu sinh đánh bắt tôm cá… Điều đáng nói, phương tiện đa số là tự chế nên chưa thực hiện các thủ tục để đăng ký và đăng kiểm theo đúng quy định.

Qua kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông về đường thủy nội địa các phương tiện của 6 đơn vị khai thác cát trên sông Đăk Bla thuộc các xã, phường ở thành phố Kon Tum cũng cho thấy, với tổng cộng 19 chiếc ghe (xuồng) đang hoạt động khai thác cát trên sông (chủ yếu chở cát trong phạm vi gần khu vực bãi) thì tất cả không có đăng ký, đăng kiểm, không đăng ký kinh doanh vận tải, không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chỉ có trang bị áo phao…

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải, để đảm bảo an toàn đường thủy nội địa trên địa bàn, trước hết chính quyền địa phương cần vào cuộc, huy động các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về an toàn khi tham gia đường thủy nội địa và các quy định cần thiết khi tham gia giao thông thủy nội địa đến tận người dân; đồng thời yêu cầu tạm dừng hoạt động các xuồng, ghe máy chưa đăng ký trên địa bàn thuộc địa phận quản lý của địa phương cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý cương quyết, đình chỉ hoạt động các bến thủy không có giấy phép hoạt động và kiểm tra nhắc nhở các hộ có ghe (xuồng) phải đảm bảo trang thiết bị đầy đủ về an toàn giao thông đường thủy; quán triệt các bến phà, bến thủy, các phương tiện chở khách không được chở quá số người quy định và yêu cầu hành khách mặc áo phao khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho mọi người khi đi trên các phương tiện thủy.

Các huyện, thành phố cũng cần chú trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cấp xã, phường có kế hoạch kiểm tra, xử lý đối với các bến thủy nội địa kinh doanh không có giấy phép hoạt động, các đối tượng bơm hút cát trên sông, các hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không an toàn hoạt động; đồng thời có cơ chế phù hợp để có thể cho phép đăng ký, đăng kiểm các ghe, xuồng tự chế đủ điều kiện an toàn kỹ thuật khi tham gia vận tải thủy nhằm tạo điều kiện cũng như đảm bảo an toàn cho người dân và cũng để quản lý số phương tiện này nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra…

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác